Quách Tấn (1910-1992), quê Bình Định. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là “Bàn thành tứ hữu”, nghĩa là bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.
Trong Thi nhân Việt Nam, ông được giới thiệu làm nghề phán sự tòa sứ Nha Trang. Bố ông là người Tây học, mẹ là người Hán học. Ông bắt đầu học chữ Hán, năm 11 tuổi mới học chữ Quốc ngữ, học trường Quy Nhơn, có bằng thành chung.
Quách Tấn tập làm thơ từ lúc học lớp đệ nhất niên trường Quy Nhơn. Lúc ra trường, ông đã thông thạo các thể thơ, nhưng chính thức bước vào làng văn thơ từ năm 1932. Năm 1933, ông đã có thơ đăng trên An Nam tạp chí, Phụ nữ tân văn, Tiếng dân và Tiểu thuyết thứ bảy…
“Quách Tấn đã tìm được những lời thơ rung cảm chúng ta một cách thấm thía. Người đã thoát hẳn cái lối chơi chữ nó vẫn là môn sở trường của nhiều người trong làng thơ cũ”, trích đoạn đánh giá của Hoài Thanh.