Mô tả
“Và khi đã thức dậy rồi, mi sẽ thức tỉnh mãi mãi như thế.”
F. Nietzsche
Việc học Phật trọng ở cái trí, ngay tên gọi đã nói lên điều này. Thế cho nên khán kinh giả minh Phật chi lý, đến mục đích mà đời sống đáng theo đuổi cũng lấy duy tuệ thị nghiệp làm tên. Thế cho nên từ học mà đi đến hành thì cái thành mới được trọn vẹn.
Sự học Phật, cũng như vô vàn thứ trong tương quan duyên khởi, chẳng thế rời nhau và vững bền, chẳng thế ly thế mích bồ-đề. Cái học thuật khơi mào ở Tây phương lan đến toàn thế giới hiện đại hỗ trợ không nhỏ cho việc nghiên cứu Phật học. Gọi là nghiên cứu, cũng chẳng đặt ở nghĩa lý nghiền ngẫm suy xét, chỉ lấy cốt yếu ở cái chí cầu học cho tường tận ngọn ngành, không qua loa đại khái. Theo đó, mọi thành tựu của tri thức, từ triết học, văn học, ngôn ngữ, xã hội, tâm lý, lịch sử, giáo dục, văn hóa,… đều có thể dùng để góp thêm một góc nhìn cho tỏ hơn về Phật học. Những tương quan so sánh sẽ là cơ sở cho một sự đoái hoài lại chính bản thân mà thay đổi cho tương hợp theo lẽ vô thường. Nghiên cứu Phật học như vậy không phải là sự so bì tị hiềm về tri thức mà là một sự hiếu tri thuần khiết không xa đời và cũng không ngoài đạo.
Người ta, như một sự hời hợt, thường hay phó thác lý tưởng của mình cho niềm tin, và rồi phó thác niềm tin cho vô định. Phật tử đều đa phần xem Phật giáo như một điều để tin chứ không phải để học thì đó là một tổn thất to lớn. Dần dà, sức sống sẽ tuôn khỏi huyết quản của dòng tri thức này và Phật giáo sẽ mất đi tinh thần tuệ giác tự lực của nó. Nhưng không, trong ao sen ấy, có những bông chìm trong nước, có những bông vươn tới mặt nước, cũng có những bông vươn khỏi mặt nước. Người ta nên mở ở đó một lối cho con chim hồng nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy lên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng bay trong thương khung, để lông cánh làm đẹp cho bầu trời.
Chính bởi vì vậy, hàng hậu học chúng con từ lâu đã mong muốn được khơi lại lối đi xưa, bắc thêm chiếc cầu nối giữa niềm tin và sự học. May hội được duyên lành nhiều kiếp, chúng con được thân cận ôn Tuệ Sỹ, bậc Trưởng lão đáng tôn kính của Phật giáo, lại được ôn khuyến khích và dẫn dắt cho công việc khơi lối bắc cầu này, nên mạnh dạn đem chút sức lực thực hiện bộ “Hương Tích – Phật Học Luận Tập”, trước là sưu tầm những bài vở có giá trị nghiên cứu Phật học đã có, sau mong khơi mào cho việc sáng tác, phiên dịch những nghiên cứu mới, cho người dụng công có chỗ giải bày.
Lòng thành cao, mà trí lực mọn, chúng con chỉ mong được chư vị thiện hữu tri thức hoan hỉ đón nhận, chỉ dẫn và chung tay công tác cho Luận Tập ngày thêm khởi sắc hầu đáp ứng phần nào nhu cầu Văn – Tư – Tu của hàng đệ tử chúng con.
Sài Gòn, tiết Kinh Trập, 2017
TM Nhóm thực hiện
N.Q.B.